Trang chủ / Blog / Làm sao để có nhiều sữa? Kinh nghiệm chuẩn bị từ giai đoạn thai kỳ

Làm sao để có nhiều sữa? Kinh nghiệm chuẩn bị từ giai đoạn thai kỳ


Một sự chuẩn bị tốt từ giai đoạn thai kỳ sẽ giúp các mẹ có được lượng sữa dồi dào cho bé. 
Có mẹ sau khi sinh bé thì sữa tiết nhiều, có mẹ lại ít sữa, và được nhiều người lý giải là do cơ địa mẹ đó như thế. Có chuyện “cơ địa ít sữa, nhiều sữa” hay không?
 Theo kinh nghiệm tư vấn, hỗ trợ và giúp đỡ các mẹ nuôi con bằng sữa mẹ, chúng tôi thấy điều này đúng. Tuy nhiên phải khẳng định: dù người có ít sữa thì tối thiểu là cũng đủ cho con bú. Con người đã trải qua hơn 3,5 triệu năm tiến hóa. Bấy nhiêu thời gian đó đã đủ để tích lũy các đặc điểm cấu tạo của bầu vú hoàn thiện đảm bảo cho việc sinh tồn của loài (có nghĩa đảm bảo tiết đủ sữa để có thể nuôi con).

Thực tế: 
Trường hợp 1: một số mẹ ở tháng thứ 7 của thai kỳ đã thấy sữa non đã chảy ướt áo. 
Trường hợp 2:  một số mẹ tuy không nhiều đến chảy ướt áo nhưng cũng có thể thu hoạch được một ít. 
Trường hợp 3: một số mẹ tới ngày sanh vẫn chưa thấy giọt sữa non nào.  
Như vậy, có một sự liên hệ nào giữa dấu hiệu sữa non trong thai kỳ và lượng sữa tiết sau sinh. Tuy chưa thực hiện được một điều tra và thông kế chính thống nhưng qua kinh nghiệm tư vấn và trực tiếp giúp đỡ các mẹ giải quyết những vấn đề liên quan đến việc cho con bú, ít sữa sau sanh, tắc sữa sau sanh,... Chúng tôi nhận thấy là có sự liên hệ mật thiết giữa hai vấn đề được nêu ra bên trên. 

Tình huống thường thấy sau sinh
- Đối với trường hợp 1 và 2: Trong quí 3 của thai kỳ, nếu các mẹ thấy có sữa non rỉ, chảy là dấu hiệu đáng mừng. Các mẹ này sau sanh thường có rất nhiều sữa. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều mẹ mặc dù trong thai kỳ có thấy sữa non chảy nhưng khi sanh thì con lại không bú được sữa non và sau đó thì rất ít sữa. Và có nhiều nguyên nhân dẫn đến hậu quả đáng tiếc này.
- Đối với trường hợp 3: nhóm các mẹ dù còn vài tuần nữa sanh mà chưa thấy một tí sữa non nào thì thường sau sanh, các mẹ cũng nặn không ra sữa luôn. Điều này lại ảnh hưởng đến tâm lý các mẹ. Các mẹ lo lắng, stress nên càng gây ức chế  tiết sữa. Hậu quả là các bé  phải uống sữa công thức rất nhiều.

Cách giải quyết
Để khắc phục tình trạng này, chúng tôi khuyên các bạn có một sự chuẩn bị sớm và chu đáo ngay từ lúc mang thai, đặc biệt là từ tuần thứ 20 trở đi: 
- Uống nhiều nước, đặc biệt là nước nóng. Nước nóng có tác dụng làm giãn mạch, tăng tuần hoàn máu. Tuần hoàn máu tăng sẽ tăng hoạt động của các tế bào tạo sữa, giúp sữa non sẽ được tạo ra nhiều hơn.
- Tắm nước nóng (điều này được giải thích tương tự với việc uống nước nóng) và massage bầu vú trong lúc tắm (chú ý là cần massage hết sức nhẹ nhàng).
- Làm mềm đầu ti bằng cách bôi dầu oliu (hoặc dầu dừa) và vệ sinh đầu ti thật sạch để chuẩn bị tốt cho việc sữa được tiết ra khỏi vú. Đầu ti cứng sẽ gây khó khăn cho việc bú mút của bé. Đầu ti đóng nhiều bã nhờn sẽ cản trở việc tiết sữa ra ngoài. (Động tác tác động lên đầu ti cũng cần chú ý làm nhẹ nhàng, không được gây kích động mạnh đặc biệt là lúc thai còn nhỏ)
- Từ tuần từ 36 trở đi của thai kỳ, các mẹ có thể ăn một số thức ăn được dân gian cho là lợi sữa ví dụ: đu đủ, bồ ngót,... Những thực phẩm này trong thành phần có một số hợp chất hóa học có cấu trúc tương tự hormon ocxytoxin (hormon kích thích tiết sữa). Ăn những thực phẩm này sẽ có tác dụng hỗ trợ cho việc tiết sữa non đã tạo sẵn trong bầu vú. 
- Phải cho con bú liền trong vòng một giờ sau sinh. Ôm con càng nhiều càng tốt.  Thực hiện da tiếp da để giúp cơ thể người mẹ tiết nhiều hormon prolactin và ocxytoxin- hai hormon giúp sản sinh sữa và tiết sữa. 

* Lưu ý: Chúng tôi muốn khẳng định lại một lần nữa, trên đây là cách mà chúng tôi đưa ra để giúp các bạn có một sự chuẩn bị tốt. Tuy nhiên, nếu như trong thai kỳ các bạn không hề thấy sữa non thì các bạn cũng không cần lo lắng. Bởi vì cơ thể đã được lập trình sẵn sau khi con ra khỏi bụng mẹ (dù sinh thường hay sinh mổ) thì cơ thể sẽ bắt đầu tiết sữa non liên tục trong 72h. Và tất nhiên sữa non là rất ít, nhưng đủ đáp ứng nhu cầu của bé.
Một điều vô cùng quan trọng các mẹ cần nhớ là yếu tố tinh thần hết sức quan trọng, nó quyết định đến lượng sữa. Vì vậy các mẹ hãy dùng bộ não của mình chỉ huy cho cơ thể tiết sữa. Các mẹ cần kiên định là mình chắc chắn, chắn chắn đủ sữa cho con. Cho nên các mẹ hãy tự tin mà ôm con cho bú, càng lâu càng tốt. Việc cho con bú trực tiếp trong những ngày đầu sau sanh còn ảnh hưởng đến lượng sữa của mẹ sau này hơn cả dấu hiệu các mẹ thấy sữa non trong thai kỳ mà chúng tôi đề cập bên trên.

Trên đây là tất cả những gì chúng tôi đã quan sát, ghi chép và tích lũy được từ kinh nghiệm thực tế tiếp xúc, tư vấn, giúp đỡ nhiều mẹ trong quá trình nuôi con sữa mẹ.Mong rằng ngày càng có nhiều mẹ sữa hiểu đúng bản chất vấn đề và nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn một cách tự nhiên.